Chỉ đạo triển khai sản xuất cây trồng vụ Hè Thu, Thu Đông và vụ Mùa năm 2022.

Thứ sáu - 27/05/2022 03:50 732 0
Để chuẩn bị tốt cho sản xuất cây trồng vụ Hè Thu và các mùa vụ tiếp theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố và các phòng, ban chuyên môn thuộc Sở tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ.
1. Các phòng ban thuộc Sở:
1.1. Văn phòng Sở (Bộ phận trồng trọt –BVTV, PTNT)
- Tham mưu Sở triển khai các văn bản chỉ đạo, các tiến bộ kỹ thuật mới của Bộ ngành, viện trường cho các địa phương, các đơn vị liên quan để phổ biến trong sản xuất.
- Tham mưu Sở trình UBND tỉnh triển khai kế hoạch giám sát, đánh giá cấp số vùng trồng, số sở đóng gói.
- Chủ động nắm bắt, giám sát các khảo nghiệm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các mô hình ứng dụng của tổ chức cá nhân để tham mưu chỉ đạo, báo cáo theo quy định.
- Phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường và các địa phương xác định ranh giới vùng chuyên canh đất trồng lúa sau khi được phê duyệt quy hoạch đất cấp tỉnh; đồng thời theo dõi, báo cáo kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa theo quy định.
- Tăng cường hướng dẫn các hội viên Tổ hợp tác, Hợp tác xã về sử dụng thuốc, phân bón đúng quy định pháp luật về Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật và luật Trồng trọt.
        - Hướng dẫn địa phương liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản.
1.2. Thanh tra Sở
- Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng trước, trong mùa vụ sản xuất (lưu ý kiểm soát nhãn hàng hóa, chất lượng sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật).
- Phối hợp, hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác thanh kiểm tra về buôn bán, sử dụng vật tư nông nghiệp, chú trọng đối tượng giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
1.3. Chi cục Thủy lợi
- Cập nhật diễn biến thời tiết, khí tượng, thủy văn khuyến cáo kịp thời cho cho địa phương ứng phó với hạn hán, mưa, lũ bất thường.
- Hướng dẫn các tiến bộ kỹ thuật trong tưới tiết kiệm, tưới phun sương, tiêu úng thoát nước, kỹ thuật nông lộ phơi cho cây lúa…
1.4. Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp tỉnh
- Tuyên truyền tổ chức các nhân thực hiện chăm sóc phòng trừ sâu bệnh theo nguyên tắc IPM, ICM và các tiêu chuẩn GAP trên các loại cây trồng và sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng, đặc biệt đúng thuốc cho từng loại cây trồng.
- Thực hiện công tác dự tính, dự báo, điều tra tình hình dịch hại, diễn biến diện tích trồng trọt, khuyến cáo kịp thời, hướng dẫn biện pháp phòng trị, hạn chế thiệt hại đến sản xuất.
- Thực hiện khuyến cáo trồng các giống điều địa phương đã được bình tuyển; theo dõi, đánh giá giá trị canh tác, giá trị sử dụng các dòng giống điều địa phương bình tuyển đã phổ biến trong sản xuất, làm cơ sở đề nghị công nhận giống. Theo dõi, đánh giá chất lượng các giống điều không phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh, đề xuất loại bỏ trong cơ cấu cây trồng.
- Phối hợp với các Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp, Viện nghiên cứu cao su và cơ quan chuyên môn của các Bộ, ngành Trung ương thực nghiệm các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; theo dõi nắm bắt các mô hình hiệu quả kinh tế để phổ biến trong sản xuất.
- Triển khai các máy phân tích phục vụ công tác đánh giá chất lượng nông sản, chất lượng đất và công tác giám định sinh vật gây hại thực vật.
2. UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và UBND cấp xã:
- Thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, khí tượng, thủy văn để có giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả, kiểm tra hệ thống thủy lợi, củng cố, cải tạo thủy lợi nội đồng, bờ bao, công tác chuẩn bị ứng phó với mưa, lũ bất thường; điều tra tình hình dịch hại có dự tính dự báo và khuyến cáo hướng dẫn kịp thời các biện pháp phòng trị nhằm hạn chế thiệt hại đến sản xuất.
- Xây dựng kế hoạch sản xuất lúa vụ Hè Thu, Thu Đông, vụ Mùa năm 2022 theo định hướng chung phù hợp với điều kiện của từng địa phương, linh hoạt điều chỉnh theo tình hình thực tế; chỉ đạo áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành, tăng lợi nhuận cho người sản xuất, trong đó, đảm bảo trồng lúa trong khung thời vụ sau:
+ Vụ Hè Thu: Gieo sạ cây lúa vào tháng 6, thu hoạch tháng 8, xuống giống tập trung;
 Cơ cấu giống
  + Nhóm giống lúa chất lượng cao chủ lực xuất khẩu: OM5451, OM6976, OM4900, OM7347, OM4218, Đài thơm 8, … tỉ lệ 55 - 60%.
  + Nhóm giống thơm, đặc sản: ST20, ST24, ST25, RVT, Nàng Hoa 9, VD 20, Jasmine 85, … tỉ lệ 15 - 20%.
+ Nhóm giống chất lượng trung bình: IR50404, OM576, ... tỉ lệ <15% .
+ Nhóm giống lúa Japonica, nếp IR4625, nếp Bè, … tỉ lệ <10%.
 Một số lưu ý: Tăng cường ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng giống lúa xác nhận, phòng trừ sâu bệnh tổng hợp (IPM), thu hồi rơm, rạ tái sử dụng, ...
+ Vụ Thu Đông: Xuống giống tháng 9, thu hoạch cuối tháng 12, theo dõi sát tình hình nguồn nước, nhu cầu tiêu dùng của thị trường để tính toán, bố trí diện tích gieo trồng với phương châm tránh, né hạn vào cuối vụ Đông Xuân 2021 - 2022;
 - Cơ cấu giống
 + Nhóm giống lúa chất lượng cao chủ lực xuất khẩu: OM5451, OM6976, OM18, OM 7347, OM4900, … tỉ lệ 50 - 60%
 + Nhóm giống lúa thơm, đặc sản: ST20, ST24, ST25, RVT, Nàng Hoa 9, VD 20, Jasmine 85, ... tỉ lệ 30%.
 + Hạn chế xuống giống lúa nếp và nhóm giống chất lượng trung bình IR 50404, OM 576.
 - Một số lưu ý:
 + Đẩy mạnh giải pháp giảm giá thành sản xuất thông qua giảm lượng giống gieo, lượng phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật hoá học, tăng cường sử dụng phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học ...
  + Ưu tiên sử dụng giống lúa chống chịu với rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá, bệnh cháy lá, cháy bìa lá và giống có độ cứng cây để hạn chế đổ ngã.
  + Từ vụ Hè Thu sang Thu Đông cần có thời gian giãn cách và làm đất, vệ sinh đồng ruộng, tiêu hủy nguồn sâu bệnh, tiêu hủy rơm rạ hoặc sử dụng các hoạt chất phân hủy rơm rạ để hạn chế ngộ độc hữu cơ.
+ Bổ sung phân bón có chứa canxi và silic giúp cây lúa cứng cây, chống chịu tốt với điều kiện mưa lụt.
+ Vụ Mùa: Vào đầu tháng 7 đến giữa tháng 8, thu hoạch đầu tháng 10 đến tháng 11 đối với vùng chủ động nước và không chủ động nước chờ nước trời.
 Cơ cấu giống
+ Đối với vùng thiếu nước tưới trong mùa khô cần sử dụng giống lúa ngắn ngày, có khả năng chịu hạn và có thời gian sinh trưởng dưới 105 ngày, kết hợp làm mạ cấy rút ngắn thời gian sinh trưởng.
+ Nhóm giống chủ lực: Tài Nguyên, Nàng Thơm, ngoài ra còn các giống ST20, ST24, ST25, OM4900, VD20, …
- Trong sản xuất các loại cây trồng khác, cần ưu tiên những nội dung sau:
+ Cây sắn: Quản lý tốt nguồn giống sạch bệnh cho sản xuất và theo dõi phòng, chống hiệu quả bọ phấn trắng gây bệnh vi rút khảm lá sắn.
+ Cây ngô: Theo dõi và phòng trừ hiệu quả sâu keo mùa thu gây hại cây ngô.
+ Cây công nghiệp dài ngày: Tăng cường áp dụng các kỹ thuật canh tác tiến bộ vào sản xuất, tưới tiết kiệm nước, đẩy mạnh tái canh cây cà phê, cây điều bằng giống mới, thích nghi với biến đổi khí hậu. Không mở rộng diện tích và trồng tái canh hồ tiêu trên diện tích bị sâu bệnh gây hại nặng và điều kiện sinh thái không phù hợp.
- Lưu ý một số kỹ thuật sau:
+ Cây Cao su: Về giống: Sử dụng các giống: RRIV1, RRIV 106, RRIV 109, RRIV 114, RRIV209, RRIV103. Về kỹ thuật: tuân thủ quy trình kỹ thuật cây cao su 2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tại Quyết định số 4689/QĐ-BNN-TT ngày 01/12/2021.
+ Cây Điều: Về giống: Khuyến cáo trồng giống điều ghép PN1 và các giống được bình tuyển tại địa phương (BP 18 tại Thuận Lợi; BP 27 tại Thuận Phú - Đồng Phú;  BP43 tại Đức Liễu – Bù Đăng; BP68 tại Đắc Ơ Bù Gia Mập và BP89 tại Minh Lập – Chơn Thành; BP102 tại Long Hà - Phú Riềng). Về kỹ thuật: Khuyến cáo tuân thủ theo quy trình trồng thay thế và thâm canh cây điều, được Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành tại Quyết định số 4497/QĐ-BNN-TT ngày 03/11/2017.
+ Cây Hồ tiêu: Về giống: Sử dụng giống tiêu Vĩnh Linh, tiêu sẻ Lộc Ninh, tiêu Ấn Độ, tiêu Phú Quốc…Về kỹ thuật: áp dụng kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch hồ tiêu, được ban hành tại Quyết định số 730/QĐ-BNN ngày 05/3/2015 của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Quyết định số 577/QĐ-BVTV-KH ngày 31/3/2020 của Cục Bảo vệ thực vật về công nhận tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho một số biện pháp phòng chống bệnh chết nhanh, chết chậm ở hồ tiêu.
+ Cây Cà phê:  Về giống: Đẩy mạnh tái canh cây cà phê bằng các giống (TR4, TR5, TR6, TR9, TR12…). Về kỹ thuật: Đối với cà phê tái canh, áp dụng các biện pháp kỹ thuật theo Quy trình tái canh cây cà phê vối được ban hành tại Quyết định số 2085/QĐ-TT-CCN ngày 31/5/2016 của Bộ NN&PTNT.
 Đối với cây trồng xen trong vườn cà phê vối, cần tuân thủ quy trình trồng xen cây hồ tiêu, cây bơ, cây sầu riêng tại Quyết định số 7302/QĐ-BNN-TT ngày 24/9/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
 + Cây ăn quả: Rà soát lại diện tích cây ăn quả trên địa bàn, không mở rộng diện tích cây ăn quả ngoài vùng đã được quy hoạch sản xuất; đẩy mạnh giám sát, hướng dẫn vùng trồng, sở đóng gói đề xuất cấp hoặc duy trì, hủy mã số; biện pháp phòng chống Covid 19 trong vùng sản xuất, cơ sở đóng gói đã cấp mã số; áp dụng các biện pháp kỹ thuật như tỉa cành, tạo tán, sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm, sản xuất an toàn, chứng nhận để nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất; tiếp tục theo dõi, chỉ đạo hướng dẫn các biện pháp phòng, chống úng, hạn và khắc phục ảnh hưởng bất lợi do úng, hạn trên vườn cây ăn quả.
- Tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sản xuất nông sản an toàn, sản xuất có chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP trên các loại cây trồng. Khuyến khích tổ chức, cá nhân áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ cho mỗi loại cây trồng có lợi thế của địa phương, tối thiểu khoảng 1% trên tổng diện tích trồng trọt; chú trọng thực hiện biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Ưu tiên bố trí kinh phí cho tập huấn, kiểm tra và giám sát việc tuân thủ tiêu chuẩn VietGAP trên cây rau và cây ăn trái; các vườn, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số vườn sản xuất phục vụ xuất khẩu.
- Tăng cường công tác thanh, kiểm tra đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và giống cây trồng. Ưu tiên kiểm tra nhãn hàng hóa thuốc bảo vệ thực vật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
- Đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giữa nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu bao tiêu sản phẩm, hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, tăng hiệu quả sản xuất.
- Đánh giá các quy trình kỹ thuật canh tác, chất lượng giống trong quá trình canh tác, hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật đối với dịch hại và báo cáo kết quả sau khi kết thúc mỗi mùa vụ.
- Tổ chức triển khai xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của địa phương theo Điều 13 Nghị định 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác, được UBND tỉnh ban hành Bộ thủ tục hành chính cấp xã về lĩnh vực Trồng trọt mã số TTHC: 1.008004 tại Quyết định số 863/QĐ-UBND ngày 5/4/2021.
Tác giả bài viết: Nguyễn Đình Thanh
Nguồn tin: Bộ phận TT và BVTV-Văn phòng sở:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây