Thực trạng về kiểm soát ô nhiễm môi trường trong nông nghiệp

Thứ tư - 29/09/2021 03:46 1.710 0
Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường, thu gom và xử lý chất thải trong lĩnh vực nông nghiệp đã được cấp ủy, chính quyền địa phương, đoàn thể các cấp, các sở, ban, ngành tổ chức triển khai thực hiện bước đầu đã tạo được sự chuyển biến và đạt được một số kết quả khả quan.
Sở Nông nghiệp và PTNT thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng; quản lý điều kiện vệ sinh thú y, ô nhiễm môi trường từ chất thải lỏng, chất thải rắn và không khí trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; triển khai thực hiện công tác thẩm định và cấp chứng nhận điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản; triển khai công tác trồng rừng và chi trả dịch vụ môi trường rừng; hỗ trợ xây dựng các mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm; hướng dẫn người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh, xây dựng hố xí hợp vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi gia súc hợp vệ sinh; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới,...
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và PTNT đã triển khai công tác tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân và người dân hoạt động sản xuất nông nghiệp sử dụng hoá chất hợp lý trên đồng ruộng theo nguyên tắc “4 đúng”; thu gom và xử lý bao bì của hoá chất bảo vệ thực vật (BVTV) đúng quy định; kiểm soát việc sử dụng các chế phẩm hóa học, phân bón và thuốc BVTV có hàm lượng hóa chất cao trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, hướng dẫn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ xử lý chất thải bằng các phương pháp như: Xây hầm biogas, xử lý bằng men sinh học, đệm lót sinh học nhằm tạo điều kiện cho các nông hộ vừa tiếp tục chăn nuôi trong khu dân cư, đảm bảo các chỉ tiêu về môi trường; hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp thực hiện tốt các quy định của nhà nước về xử lý chất thải trước khi xả thải ra môi trường; hướng dẫn người dân sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn nước trong sinh hoạt; xây dựng, lắp đặt các mô hình xử lý chất thải trong chăn nuôi nhằm hạn chế tối đa sự ô nhiễm môi trường, đồng thời tạo ra các nguồn năng lượng sạch và phụ phẩm làm phân bón cho cây trồng, giúp hạn chế việc sử dụng phân bón hóa học trong sản xuất nông nghiệp, tình trạng chặt phá rừng làm chất đốt.... Qua công tác tập huấn, tuyên truyền đã giúp người dân nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn, hạn chế tối đa phát thải trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản,... 
Các loại rác thải, chất thải phát sinh trong quá trình nuôi trồng thủy sản gồm vỏ bao bì đựng thức ăn, vỏ bao bì thuốc thú y, thức ăn dư thừa trong quá trình chăn nuôi, chất thải của các loài thủy sản nuôi,... Nếu không áp dụng quy trình chăn nuôi chuẩn, đảm bảo tiêu thụ hết lượng thức ăn, mật độ nuôi trồng không hợp lý sẽ gây ô nhiễm nguồn nước. Tuy nhiên, hiện nay các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu nuôi bằng các hình thức nuôi quảng canh và nuôi lồng bè trên các hồ chứa với mật độ nuôi ít, cơ bản đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y thủy sản, chưa gây ảnh hưởng lớn đến môi trường nước.
Hình minh họa: Mùn cưa hình thành nhiều trong các xưởng chế biến gỗ
Trong quá trình chế biến thực phẩm, để tạo ra được một loại sản phẩm hoàn chỉnh mà người tiêu dùng có thể sử dụng được thì rất nhiều loại chất thải phát sinh trong quá trình xử lý nguyên liệu và các chất bị loại bỏ trong quá trình chế biến, đóng gói sản phẩm. Nếu các chất này không được xử lý một cách triệt để thì chúng sẽ làm ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến các hệ sinh thái xung quanh. Đặc trưng chất thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực thẩm nông, lâm, thủy sản là chất hữu cơ, bốc mùi, có sức gây nhiễm lan tỏa mạnh... gây tác hại đến sức khỏe con người. Trong thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản để xảy ra vụ việc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và đời sống khu dân cư.
Các chất thải phát sinh trong lĩnh vực lâm nghiệp chủ yếu liên quan đến các hoạt động phát triển rừng (túi bầu PE, bao bì phân bón, thuốc BVTV), khai thác (cành nhánh, lá cây, dầu máy) và chế biến gỗ (mùn cưa, dầu máy) và do cháy rừng được hình thành trong quá trình trồng rừng bằng cây con có bầu, bao bì phân bón lót và thuốc chống mối. Mùn cưa, dầu máy được hình thành trong quá trình khai thác và chế biến gỗ. Hoạt động chế biến gỗ xả ra môi trường rất nhiều mùn cưa, gỗ vụn. Mùn cưa hình thành trong khai thác gỗ thường ít hơn. Cháy rừng hình thành khói và tro trong không khí, góp phần làm tăng khí thải nhà kính và làm chết các loài động vật; trên địa bàn tỉnh hàng năm có xảy một số vụ ra cháy rừng nhưng không đáng kể.
Hiện trạng thu gom, xử lý rác thải, chất thải trong lĩnh vực lâm nghiệp:
+ Túi bầu PE, bao bì phân bón và thuốc BVTV: Thường ở dạng phân tán, không tập trung, ít được thu gom xử lý.
+ Mùn cưa: Được hình thành trong quá trình khai thác gỗ thường để lại tại khu vực khai thác gỗ, hoặc đốt cháy. Mùn cưa hình thành trong các xưởng chế biến gỗ hầu hết được xử lý bằng cách thiêu, đốt hoặc chôn lấp. Có một số nơi xử lý bằng cách sử dụng mùn cưa để làm vật liệu trồng nấm, làm phân hữu cơ, chế tạo thành viên nén xuất khẩu. Các làng nghề gỗ xử lý chất thải rắn tự phát như thiêu đốt, chôn lấp. Cũng có các cách xử lý khá thân thiện với môi trường như sử dụng mùn cưa để làm vật liệu trồng nấm, làm phân hữu cơ, chế tạo thành viên nén xuất khẩu.

 
Tác giả bài viết: Ngô Bích Thảo
Nguồn tin: Bộ phận TT và BVTV-Văn phòng sở:

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây