Xử lý rác thải thành phân hữu xơ, một biện pháp bảo vệ môi trường

Thứ năm - 18/07/2013 18:22 3.827 0
Hiện nay, lượng rác thải từ các khu công nghiệp, các nhà máy chế biến,... đặc biệt rác thải sinh hoạt đã trở thành một mối nguy hại đối với môi trường sống, tác động trực tiếp đến sức khỏe của con người.
Việc xử lý rác thải thành phân hữu cơ bón cho cây trồng là một giải pháp cần thiết, tiết kiệm nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại rác thải đều có thể xử lý được, mà chỉ có thể giải quyết được cho một phần trong số đó như: vỏ cà phê, vỏ điều, bã mía, vỏ trái cacao,... Đây là những loại rác vô cơ có thành phần hóa học dạng xellulô và lignin dễ bị phân hủy khi xử lý. Còn các loại rác hữu cơ cấu trúc dạng mạch vòng polyme khác như túi nilong, vỏ chai thủy tinh, chai nhựa, xăm lốp xe, ... hàng trăm năm sau mới có thể phân hủy, thì chỉ có thể tái chế sử dụng. Vậy trong khuôn khổ bài viết, chúng ta chỉ đề cập đến rác thải vô cơ. Đó là những phế thải trong sản xuất công nghiệp: bã mía sau khi ép, vỏ đậu nành, vỏ và lõi dứa, vải, vỏ chuối sau khi làm đồ hộp, bã mắm, ... là những thành phần không thể tham gia vào quá trình tạo nên sản phẩm hoặc bán thành phẩm mà phải loại khỏi dây truyền sản xuất; phế thải sản xuất nông nghiệp: rơm rạ, thân lõi ngô, vỏ cà phê, vỏ trái cacao, trái điều, bã mì, thân cây đậu đỗ, ...; rác thải từ quá trình sinh hoạt của con người trong cộng đồng: cuộng rau bỏ đi, vỏ các loại trái cây, rau củ, ... Đây sẽ là lượng rác thải đáng phải quan tâm, bởi vì nếu không giải quyết thì sẽ là nơi truyền nhiễm nhiều bệnh tật cho con người, song lại là nguồn cung cấp hữu cơ cho nông nghiệp có giá trị. Những loại rác thải này nếu bón trực tiếp vào đất sẽ làm tăng mật độ vi sinh vật gây bệnh trong đất, đặc biệt trên đất trồng rau sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng rau. Ngoài sự tăng số lượng vi sinh vật gây bệnh, việc bón rác thải làm tăng hàm lượng kim loại nặng: kẽm, cadimi, chì, đồng, ... trong đất. Để xử lý lượng rác thải trên có nhiều cách khác nhau tùy vào điều kiện hiện có của mỗi địa phương như phương pháp chôn lấp, phương pháp làm khí sinh học (Biogas) và đặc biệt là phương pháp làm phân ủ. Phương pháp chôn lấp là phương pháp vẫn thường xuyên được làm nhưng sẽ rất tốn diện tích, thời gian phân hủy lâu, ô nhiễm môi trường không khí, nước vùng lấp. Thử tượng tượng khi diện tích đất ngày càng thu hẹp để nhường chỗ cho các khu công nghiệp mọc lên, thì làm gì còn diện tích để chôn rác. Với số lượng và chất lượng rác thải ngày càng tăng thì phương pháp Biogas khó có thể thực hiện. Vì vậy, phương pháp ủ háo khí hay yếm khí làm phân bón là khả thi nhất và đang được thực hiện rộng rãi trên thế giới, một số đô thị lớn ở Việt Nam như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Hà Nội đang áp dụng phương pháp ủ háo khí làm phân bón. Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng phương pháp ủ yếm khí. Cả hai phương pháp đó đều dùng men tự nhiên, không tuyển chọn. Cụ thể cách làm như sau: Ở Hà Nội: Thu gom rác "Phân loại rác " Phân hữu cơ vào trộn với rác " ủ thổi khí, ủ chín " Sàng " Trộn N, P, K " Đóng bao. Thời gian 2- 2,5 tháng. Ở thành phố Hồ Chí Minh: Thu gom rác " Phân loại rác " ủ thành đống cao 2-2,5m, độ ẩm 60-70% " Phủ áo bằng than bùn dày 10-20cm " ủ 2-3 tháng " Sàng khô " Vun đống ủ tiếp 2 tuần " Trộn N, P, K " vo viên (phân vi lượng) " Sấy " Đóng bao. Thời gian 3 – 3,5 tháng. Những năm gần đây nhiều trường Đại học, Viện nghiên cứu, các doanh nghiệp đã đầu tư nghiên cứu, tuyển chọn một số tập đoàn Vi sinh vật có tác dụng phân giải hữu cơ cao để gia thêm vào quá trình ủ. Có thể nói, việc ủ háo khí, hay yếm khí rác thải làm phân bón đã và đang được ứng dụng rất nhiều ở các nơi, mô hình này cần được nhân rộng nhiều hơn ở Bình Phước. /.
Tác giả bài viết: KS. Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây