Dùng chế phẩm sinh học Trichoderma ủ phân hữu cơ, một biện pháp hiệu quả và bền vững

Thứ năm - 18/07/2013 18:36 1.058 0
Xưa nay, khi sử dụng phân hữu cơ để bón cho cây trồng bà con cũng đã tiến hành ủ hoai. Việc ủ hoai phân có nhiều tác dụng như làm mất sức nảy mầm của hạt cỏ có trong phân; tiêu diệt các mầm bệnh có trong phân khi gia sùc bị bệnh; quá trình ủ các hợp chất hữu cơ, xenlulo sẽ bị phân huỷ tạo các axít mùn, và các chất dể tiêu giúp cây hấp thu dễ hơn.
Ngày nay, theo sự phát triển của khoa học, công nghệ sinh học, việc sử dụng chế phẩm Trichoderma ủ phân hữu cơ để bón cho cây trồng sẽ giúp tăng cường hệ vi sinh vật có ích trong đất; phân giải nhanh các chất hữu cơ thành dạng dễ tiêu, cung cấp dinh dưỡng cho cây; phòng một số nấm bệnh gây hại cho cây trồng, chất lượng phân cao hơn. Do vậy, những loại chế phẩm này được khuyến cáo sử dụng để tăng cường trong quá trình ủ phân. Hiện trên thị trường có bán rất nhiều loại chế phẩm này của các công ty như Điền Trang, Gia Tường, Đại Học Cần Thơ,... Bà con có thể tham khảo quy trình ủ phân như sau: 1. Vật liệu ủ phân: - Xây dựng nhà trại: Phân được ủ trong các nhà trại để kiểm soát được ẩm độ không bị mưa, nắng tác động. Nền được nâng cao lên so với mặt đất khoảng 10 cm. - Vật liệu ủ: Phân gia súc, gia cầm các loại; chất độn: rơm rạ, tro, trấu, lá thân cây phân xanh (lạc dại, cỏ stylo, các loại cây họ đậu đỗ,...). - Phân supe lân - Chế phẩm Trichoderma 2. Số lượng các vật liệu: - Vật liệu ủ: 1 tấn phân gia súc, gia cầm các loại - Phân supe lân: 30 kg - Chế phẩm Trichoderma: 3 kg, nhiều hơn nếu sử dụng nhiều chất độn. 3. Cách tiến hành: Các phế phụ phẩm trộn trực tiếp với men Trichoderma (1). Trộn men vi sinh với supe lân (2). Cho một lớp phân gia súc, gia cầm vào hố ủ dày khoảng 20cm. Rải một lớp hỗn hợp (2). Đến lớp (1). Rải một lớp hỗn hợp (2). Tiếp một lớp phân gia súc, gia cầm. Cứ làm tuần tự cho đến hết, đống phân cao khoảng 1-1,5m. Tưới nước đủ ẩm cho đống phân, ẩm độ ủ phân phải đạt khoảng 50 – 55 % (dùng tay nắm hỗn hợp phân ủ, thấy nước vừa rịn kẽ tay là được). Có thể tưới bằng nước phân heo, nước ure (1 kg ure pha với 100 lít nước). Không nên để quá khô, cũng như quá ướt làm chậm quá trình phát triển của nấm men. Không nên nén quá chặt sẽ làm hạn chế sự phát triển cuả nấm men, kéo dài thời gian ủ, chất lượng phân không tốt. Dùng bạt màu tối phủ kín đống phân che nắng, che mưa. Sau 3-5 ngày nhiệt độ của đống phân sẽ tăng lên khoảng 70oC, làm ức chế sự nảy mầm của hạt cỏ cũng như tiêu diệt các loại mầm bệnh có trong phân chuồng có thể gây bệnh cho người và gia súc. Sau đó, nhiệt độ hạ dần. Khoảng 20 ngày sau tiến hành đảo trộn từ trên xuống, từ ngoài vào trong cho đều, tấp thành đống ủ tiếp khoảng 25 – 40 ngày nữa là có thể sử dụng tốt cho cây ăn trái, cây công nghiệp, các loại rau màu... Chú ý, khi ủ phân bà con nông dân không nên dùng vôi, vì làm huỷ diệt các vi sinh vật trong phân, nên bón ngoài ruộng trước khi làm đất là tốt nhất. Với cách làm như trên, bà con có thể tự mình sản xuất ra phân hữu cơ vi sinh, mà giá thành lại rẻ. Có thể tiết kiệm chi phí từ 30-50% cho việc mua phân để bón lót. Hơn nữa việc sử dụng phân hữu cơ đã ủ với chế phẩm Trichoderma bón cho cây còn giúp làm phong phú hệ vi sinh vật có ích cho đất, phòng được một số bệnh cây do nấm gây ra, góp phần bền vững môi trường đất canh tác nông nghiệp./.
Tác giả bài viết: KS. Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây