Bình Phước: phát triển mô hình trồng và cải tạo cây cà phê theo hướng bền vững

Thứ ba - 27/08/2013 21:12 2.730 0
Bình Phước có điều kiện về khí hậu và thổ những thích hợp cho việc trồng và phát triển cây cà phê. Hiện nay diện tích cây trồng này trên địa bàn tỉnh đã lên đến trên 14.738 ha, và là một trong những địa phương sản xuất cà phê trọng điểm của cả nước.
Trước thực trạng phần lớn các vườn cà phê trên địa bàn tỉnh được trồng và canh tác chưa đúng kỹ thuật như: mật độ quá dầy, giống còn hỗn tạp, cây già cỗi, bệnh hại ngày càng nhiều, hạt không đạt chất lượng xuất khẩu, làm giảm năng suất cũng như hiệu quả kinh tế, thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Viện KH-KT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học: “Xây dựng mô hình phát triển cà phê bền vững theo hướng GAP trên địa bàn tỉnh Bình Phước”. Hiện đề tài đã được nghiệm thu vào tháng 12/2011 và được Sở KH&CN chuyển giao kết quả nghiên cứu cho các Trạm Khuyến nông nhằm xây dựng và nhân rộng mô hình trồng và cải tạo cây cà phê theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh. Hiện nay Sở KH&CN đã chủ trì thực hiện việc chuyển giao kết quả của đề tài cho các Trạm Khuyến nông và đã triển khai được 5 mô hình canh tác cà phê theo hướng bền vững trên địa bàn huyện Bù Đăng và thị xã Phước Long, mỗi mô hình có quy mô 0.5 ha với mục tiêu xây dựng những mô hình điểm để sản xuất chồi cà phê giống tốt, chất lượng cao, ứng dụng công nghệ cải tạo để nâng cao năng suất các vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp. Ở các vườn mô hình, nông dân đã được hướng dẫn thực hiện các quy trình chăm sóc trên 50% diện tích, 50% còn lại do nông dân tự chăm sóc đối chứng. Trên phần diện tích triển khai mô hình, cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn nông dân thực hiện canh tác theo các tiến bộ khoa học đã được tổng hợp như: rong tỉa cây che bóng; bón phân theo độ phì dinh dưỡng đất và năng suất của cây, tăng cường bón phân hữu cơ, phân bón lá; ghép cải tạo thay thế những cây gốc xấu bằng những dòng vô tính chọn lọc... Giống được lựa chọn từ 9 dòng vô tính (giống cà phê vối TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, TR9, TR11, TR12) cho năng suất cao, từ 4 - 5 tấn nhân/ha, kháng cao với bệnh rỉ sắt. Phương pháp ghép được thực hiện theo quy trình của Viện KH-KT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và theo dõi tỷ lệ sống, sinh trưởng, sâu bệnh, năng suất, hiệu quả kinh tế. Kết quả cho thấy, tỷ lệ chồi ghép sống và tỷ lệ cây có 2 chồi sống/gốc khá cao, chất lượng chồi ghép, gốc ghép và cả kỹ thuật ghép đều tốt, đạt yêu cầu đề ra; cây cà phê ghép phát triển rất tốt. Sau 30 tháng, 100% cây ghép đều không bị bệnh rỉ sắt; về năng suất, trung bình mỗi cây đã cho trên 8 kg quả tươi, tức là trung bình mỗi ha đạt 1.760 kg nhân. Ngoài ra, chất lượng cà phê nhân cũng được cải thiện đáng kể. Từ đó có thể khẳng định việc ghép thay thế giống các vườn cà phê ở Bình Phước bước đầu mang lại hiệu quả khá rõ rệt. Ngoài ra, các mô hình đã được người dân địa phương tham quan, học hỏi và đã từng bước áp dụng biện pháp ghép trên vườn cây của mình, khẳng định thành công về mặt xã hội của các mô hình cải tạo bằng biện pháp ghép thay giống. Các hộ trong mô hình điểm đã được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn thực hiện kỹ thuật vườn cà phê theo hướng GAP như: ghép cải tạo; phân bón dựa vào độ phì; lượng nước tưới từ 500-600 lít/gốc/lần tưới, chu kỳ tưới từ 20-25 ngày và lượng nước tưới lần đầu cao hơn định mức trên 10-15%; quản lý dịch hại tổng hợp; tạo hình tỉa cành; theo dõi các chỉ tiêu về sinh trưởng, sâu bệnh, năng suất và hiệu quả kinh tế. Kết quả cho thấy, các mô hình vườn cà phê áp dụng GAP đều sinh trưởng và phát triển rất tốt; tỷ lệ cây bị sâu bệnh nhìn chung là nhẹ không ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của vườn cà phê trong mô hình cũng như vườn của gia đình. Sau hơn 2 năm thực hiện, năng suất ở các mô hình cà phê GAP đã cho năng suất cao hơn so với các mô hình đối chứng, chi phí đầu tư theo mô hình thấp hơn trong khi độ phì nhiêu của đất được nâng lên, đất tơi xốp hơn, tỷ lệ sâu bệnh giảm đáng kể, tỷ lệ đậu quả tăng lên, lợi nhuận về kinh tế của các mô hình đạt trung bình gần 73 triệu đồng/ha, cao hơn đối chứng 21,5 triệu đồng/ha. Qua nghiên cứu và điều tra cho thấy, diện tích cà phê không có cây che bóng là nguyên nhân chính khiến nhiều vườn cà phê bị kiệt sức sau một vài mùa bội thu nên trong quá trình chuyển giao, cán bộ kỹ thuật đã định hướng cho các hộ dân trồng và canh tác cà phê xen trong vườn điều, vừa tận dụng diện tích đất, phân bón và cây điều cũng cho năng suất cao hơn so với độc canh, góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích. Tại vườn cà phê trên gần 20 năm của gia đình ông Lê Văn Tốt - xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông đã chọn 01 ha để thực hiện chăm sóc theo hướng GAP, ghép cải tạo thay thế những cây gốc xấu bằng những dòng vô tính chọn lọc, 01 ha còn lại có cùng điều kiện sinh trưởng phát triển do gia đình tự chăm sóc đối chứng. Qua 2 năm thực hiện, ông Tốt nhận thấy có sự khác biệt về đầu tư, chăm sóc cũng như hiệu quả sản xuất ngay trên vườn cà phê của mình. Tại 01 ha cà phê được ghép cải tạo và chăm sóc theo hướng dẫn, cà phê phát triển nhanh hơn, ổn định hơn so với việc trồng mới, ít sâu bệnh, ít phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tỷ lệ đậu quả cao, quả to, hứa hẹn cho năng suất cao hơn. Bên cạnh đó, do được canh tác xen trong vườn điều nên cây cà phê vừa được che bóng, kích thích sinh trưởng, vườn điều lại được hưởng phân bón và nước tưới cho cây cà phê nên cũng sinh trưởng mạnh hơn, cho năng suất cao hơn, qua đó giúp đình ông có thêm thu nhập. Phát triển cây cà phê bền vững trên địa bàn tỉnh thông qua việc xây dựng, nhân rộng thành công các mô hình ứng dụng công nghệ ghép cải tạo để nâng cao năng suất các vườn cà phê già, năng suất thấp và mô hình canh tác cà phê bền vững theo hướng GAP để tiến tới xây dựng thương hiệu cà phê Bình Phước./.
Tác giả bài viết: Bùi Thanh Liêm -Sở KHCN
Nguồn tin: Trung tâm dịch vụ NN:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây