Chăm sóc cây điều đúng cách để phòng giảm thiệt hại khi thời tiết bất thuận gây ra

Thứ tư - 13/11/2013 02:20 17.600 0
Hiện nay, theo thống kê của Chi cục Trồng trọt-BVTV tỉnh Bình Phước, diện tích điều cả tỉnh có khoảng 140 ngàn ha đang bước vào giai đoạn phát đọt, ra hoa, đậu trái. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh, có thể xuất hiện mưa trái mùa trong mùa khô năm nay, chính vì vậy, để có một vụ điều năng suất, chất lượng, Chi cục Trồng trọt-BVTV đã có một số khuyến cáo, hướng dẫn người dân trồng điều một số biện pháp chăm sóc điều đạt hiệu quả, để giảm thiệt hại tối đa khi thời tiết bất thuận gây ra.
Vụ Đông Xuân cây điều ra chồi và phát triển hoa, tạo quả bắt đầu từ tháng 11 kéo dài đến tháng 3 năm sau, rộ nhất là tháng 1,2. Khi thấy vườn điều rụng lá khoảng 20%, bà con có thể sử dụng chất kích thích sinh trưởng như Thioure, Paclobutrazol để phun giúp cây rụng lá đồng loạt, tập trung dinh dưỡng cho cây phát đọt, ra hoa đều, tăng khả năng đậu trái. Vào giai đoạn xử lý ra hoa, tăng cường phân NPK có hàm lượng đạm thấp, lân và kali cao trong giai đoạn này. Lân cao giúp cây phân hóa mầm hoa tốt nhất, kali cao giúp tăng trọng lượng và chất lượng hạt điều. Người trồng điều có thể sử dụng các loại phân bón lá, cụ thể như sau: Một số chế phẩm và chất điều hòa sinh trưởng khuyến cáo sử dụng: Mục đích Loại phân bón lá và các chất điều hoà sinh trưởng Tình trạng cây Đón hoa NPK :6:30:30, 7:5:44 và vi lượng, Atonik, Bortrac Đợt lá cuối cùng hoàn chỉnh Đậu trái Atonik, Bortrac, GA3 Hoa đang nụ chưa nở Dưỡng trái 20:20:20, Atonik Trái đã đậu Chống rụng trái Atonik, Bortrac Trái đang phát triển Giữ ẩm và tưới nước bổ sung cho cây điều khi điều đậu trái. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương khuyến cáo tưới nước ít nhất 1 tháng 1 lần với lượng nước 350-400 lít/gốc và ngưng tưới khi đã thu hoạch được 2/3 sản lượng điều. Ở mỗi giai đoạn sinh trưởng, phát triển, đối tượng gây hại cây điều khác nhau. Giai đoạn chồi non: sâu bệnh phổ biến thường là bọ đục nõn (bọ đầu dài, bọ vòi voi), bọ xít muỗi, bệnh thán thư làm cho các chồi non bị héo khô giảm khả năng ra hoa đậu trái; Giai đoạn ra bông: sâu bệnh phổ biến giai đoạn này chủ yếu là bọ xít muỗi, bọ trĩ, bệnh thán thư làm cho bông bị héo khô không còn khả năng đậu trái; Giai đoạn hình thành trái non: sâu bệnh chủ yếu là bọ xít muỗi, bọ trĩ, sâu đục trái, bệnh thán thư. Do đó, trong thời gian cây điều ra hoa, đậu trái, nông dân phải thường xuyên thăm vườn, vệ sinh vườn sạch sẽ, kiểm tra, phát hiện và có kế hoạch phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời. Hàng năm, sau thu hoạch, nông dân cần tỉa cành,tạo tán thông thoáng để hạn chế sâu đẻ trứng. Nếu có điều kiện, nông dân có thể thả kiến vống vàng, ong mắt đỏ cùng các loại thiên địch ăn sâu; xông khói trong vườn điều, thu gom cành lá có ổ trứng và sâu non mới đem tiêu hủy; đồng thời dùng bẫy đèn thu hút sâu trưởng thành để tiêu diệt. Khi gặp các đối tượng gây hại trên cây điều, nông dân có thể tham khảo các biện pháp dưới đây: Đối với bọ đục nõn (bọ vòi voi, bọ đầu dài): Con trưởng thành dùng vòi đục vòng quanh vào mô chồi non để đẻ trứng. Sâu non nở ra đục trong lõi chồi non làm cho lá và chồi non bị héo khô, cây có khuynh hướng mọc nhiều chồi nách và sinh trưởng kém. Đặc biệt khi sâu phá hại vào đợt chồi chuẩn bị ra hoa có thể làm giảm năng suất nghiêm trọng. Phòng trừ: cắt bỏ những chồi bị sâu gây hại để tiêu hủy nguồn sâu bệnh. Đối với con trưởng thành, có thể sử dụng thuốc có hoạt chất Cypermethrin như: Cyperan 5EC, 10EC, 25EC; Tungrin 5EC, 10EC, 25EC; đối với sâu non có thể sử dụng các loại thuốc như: Bian 40EC, 50EC (Dimethoate); Quiafos 25EC, Kinalux 25EC (Quinalphos); Andomec 1.8EC, 3.6EC, 5EC (Abamectin); Kimcis 10EC (Emamectin benzoate + Matrine). Kiểm tra thường xuyên khi cây vừa nhú đọt non. Tiến hành phun thuốc phòng trừ khi thấy đọt non có triệu chứng bị gây hại ở tỷ lệ thấp. Đối với bọ xít muỗi: Thường xuất hiện và gây hại vào sáng sớm và chiều mát, chúng chích hút vào mô non của cây như lá, chồi non, hoa, quả và hạt làm cho các bộ phận bị hại héo khô và rụng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng hạt. Phòng trừ: Làm cỏ vệ sinh vườn, phát quang bụi rậm; hun khói vào sáng sớm hoặc chiều mát để xua đuổi bọ xít muỗi. Có thể dùng các loại thuốc hóa học để phun khi bọ xít mới xuất hiện và gây hại ở mức độ nhẹ như: Cyperan 5EC, 10EC, 25EC; Tungrin 5EC, 10EC, 25EC (hoạt chất Cypermethrin ); Tungent 5SC, 100SC (hoạt chất Fipronil). Đối với Bọ trĩ Bọ trĩ thường gây hại nặng cho điều vào đầu mùa khô, cao điểm vào tháng 12-2 dương lịch lúc trời nắng nóng. Bọ trĩ gây hại bằng cách cứa rách lớp biểu bì ở các bộ phận non và hút nhựa chảy ra dẫn đến lá đọt kém phát triển và có màu bạc trắng; hoa, trái non bị khô, rụng; vỏ hạt bị hiện tượng da cám, vỏ trái giả bị chai sần, nứt chảy nước và thối. Phòng trừ: Chăm sóc cây tốt, có thể xử lý các loại thuốc trừ sâu như đối với bọ xít muỗi phun trước khi điều ra bông rộ. Đối với bệnh thán thư: Bệnh phát triển nhiều trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, ẩm độ không khí cao. Cây chăm sóc kém, sinh trưởng yếu bị tác hại nặng. Phòng trừ: Tăng cường chăm sóc vườn cây, tạo cho vườn thông thoáng. Khi bệnh phát sinh, có thể sử dụng thuốc trừ bệnh có hoạt chất Carbendazim như Bavistin 50WP, Carbenda 60WP, 50SC; Derosal 50SC, 60WP, hoạt chất Propineb như Antracol 70WP để phun. Đối với sâu róm đỏ: Thường xuất hiện và gây hại tập trung theo từng vùng, sâu ăn trụi lá làm cây mất khả năng quang hợp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây. Phòng trừ: Nông dân cần phòng trừ sâu róm đỏ trước khi điều ra bông, Khi bị sâu róm đỏ gây hại, cần ngắt bỏ kén nhộng, vệ sinh vườn để tiêu hủy nguồn sâu bệnh; sử dụng các loại thuốc như: Cyperan 5EC, 10EC, Tungent 5SC phun vào giai đoạn sâu non, làm bẫy đèn thu hút sâu trưởng thành. Bà con lưu ý, do quá trình ra hoa và thụ phấn của cây điều bắt đầu từ 8 giờ đến 11 giờ sáng, do đó phun thuốc giai đoạn này chỉ nên thực hiện vào buổi chiều mát để tránh ảnh hưởng đến quá trình ra hoa thụ phấn của cây. Việc pha chế và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng như các loại phân bón lá, chất kích thích sinh trưởng cần tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất về nồng độ, liều lượng và các biện pháp an toàn khi sử dụng thuốc./.
Tác giả bài viết: KS. Trần Huy Bình
Nguồn tin: Bộ phận Phát triển nông thôn-Văn phòng Sở

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây