Từ góc nhìn khoa học đến thực tiễn vấn đề trồng Sắn tại Bình Phước

Thứ hai - 12/08/2013 01:20 2.100 0
Ở Bình Phước, cây Sắn thường được trồng chủ yếu trên đất có độ phì thấp, việc canh tác thường không hoặc rất ít bón phân, trong khi đó hàng năm cây Sắn lấy đi từ đất một lượng dinh dưỡng khá lớn. Hơn thế nữa, Sắn là cây có độ che phủ thấp, quá trình canh tác thường được làm đất kỹ, nên xói mòn, rửa trôi vào mùa mưa xảy ra càng mạnh, nhất là trên vùng đất dốc. Từ những lý do trên, đã làm cho đất trồng Sắn ngày càng cạn kiệt dinh dưỡng dẫn đến suy thoái, mất sức sản xuất. Để có thể trồng Sắn một cách bền vững hơn, ba vấn đề “bón phân”, “trồng xen cây họ đậu”, “hạn chế xói mòn, rửa trôi” cho đất cần phải đặc biệt quan tâm.
“Bón phân”, yếu tố quyết định năng suất và duy trì độ phì cho đất Sắn yêu cầu một lượng dinh dưỡng rất lớn, theo R.H.Hoeweler (1981) cho thấy chỉ cần năng suất Sắn đạt 25 tấn củ tươi/ha thì sẽ lấy đi từ đất khoảng 120kgK2O + 57kgN + 12kgP2O5 + 15kgCa + 7kgMg trong trường hợp có trả lại thân lá; còn trong trường hợp không trả lại thân lá thì sẽ lấy đi từ đất khoảng 145kgK2O + 122kgN + 27kg P2O5 + 45kgCa + 20kgMg. Điều này chỉ ra rằng, Kali và Đạm là hai nguyên tố bị cây Sắn lấy đi nhiều nhất ở trong đất. Theo một nghiên cứu khác của Fox et al. (1967), để khôi phục cho 57kgN do Sắn lấy đi khi thu hoạch củ, với hiệu suất bón Đạm đạt 43-69% thì lượng nguyên chất phải cung cấp cho Sắn hàng năm là 115kgN/ha (tương đương 250kg Urea/ha). Với những kết quả nghiên cứu trên cho thấy, cây Sắn không cần nhiều Lân, nhưng rất cần Kali và Đạm. Trong thực tế, bà con nông dân hầu như rất ít chú ý đến việc bón phân cho Sắn, vì vậy năng suất Sắn ngày càng giảm nhanh do đất ngày càng nghèo kiệt dinh dưỡng và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái đất sản xuất. “Xen canh cây họ đậu”, một biện pháp tăng thu nhập, đồng thời duy trì và phục hóa độ phì cho đất Với việc xen canh cây họ đậu (như: đậu phộng, đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, đậu nành,…). Ngoài việc mang lại lợi nhuận kinh tế cao hơn trồng Sắn thuần thì nó còn có tác dụng duy trì và phục hóa độ phì cho đất. Theo R.H.Hoeweler (1987), việc sử dụng cây họ đậu trong các hệ thống luân canh, xen canh với cây Sắn để lợi dụng khả năng cố định đạm từ khí trời và bằng cách vùi toàn bộ thân, lá, rễ của cây họ đậu trả lại chất hữu cơ cho đất là một giải pháp tiết kiệm phân bón hiệu quả và bền vững. Trong thực tế, vấn đề luân canh, xen canh này đã chứng minh rõ tính hiệu quả cả về mặt kinh tế lẫn môi trường, và hiện đang có chuyển biến tích cực nhưng chưa mạnh. “Hạn chế xói mòn, rửa trôi” yếu tố cần đáng quan tâm hơn Theo nhiều nghiên cứu khoa học về đất Bình Phước cho thấy, tại hai huyện (Bù Đăng và Đồng Phú) của tỉnh Bình Phước, lượng đất bị xói mòn trung bình hàng năm có thể lên đến 152 tấn/ha/năm đối với đất có độ dốc từ 1-50; 262 tấn/ha/năm đối với đất có độ dốc từ 5-150; 470 tấn/ha/năm đối với đất có độ dốc từ 15-250 và 712 tấn/ha/năm đối với đất có độ dốc trên 250. Trong khi lượng xói mòn chỉ cần 10 tấn đất/ha/năm thì đã cuốn trôi đi từ đất 9,2kgN + 7,9kgP2O5 + 5,0kgK2O và nhiều dưỡng chất khác. Thông tin từ Cục Trồng trọt cho biết, việc trồng sắn không đúng cách như cày bừa quá sâu, không bón phân để bổ sung dinh dưỡng cho đất, lâu ngày sẽ gây xói mòn, rửa trôi đất canh tác, đặc biệt là trên những vùng đất dốc. Hiện nay tại Bình Phước, nhờ giá Sắn tăng cao nên diện tích trồng Sắn vẫn duy trì đạt mức cao trên dưới 20.000ha, năng suất trung bình 25 tấn tươi/ha. Đa phần Sắn được trồng trong vườn cây lâu năm đang thời kỳ kiến thiết cơ bản, và được trồng trên đất có độ dốc từ 0-250, điều đó cho thấy nếu không quản lý tốt vấn đề bảo vệ, duy trì, bồi bổ cho đất thì khả năng xói mòn, rửa trôi, suy thoái đất là tất yếu. Hơn nữa, hiện nay người nông dân không còn xem Sắn là cây giúp xóa đói giảm nghèo nữa, mà xem là cây kinh tế và thậm chí là cây giúp họ làm giàu. Thế nhưng việc đối xử với đất trồng Sắn thì đang còn là một vấn đề cần đáng quan tâm. Với gốc nhìn nhỏ từ cơ sở khoa học ra thực tế sản xuất Sắn tại Bình Phước, hy vọng để canh tác Sắn được hiệu quả và bền vững hơn, cần có một cái nhìn toàn diện hơn để dần thay đổi phương thức canh tác Sắn như hiện nay./.
Tác giả bài viết: Võ Đình Khánh- Phó GĐ TT KNKN
Nguồn tin: Theo Tạp chí điện tử hội nhập văn hóa và phát triển

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây