Quy trình xử lý phân gà tươi thành phân hữu cơ

Thứ tư - 06/07/2022 23:06 5.063 0
Với tốc độ phát triển của ngành chăn nuôi, các trang trại chăn nuôi gà với quy mô lớn, tập trung được xây dựng nhiều. Do đó, lượng phân gà thải ra trong quá trình chăn nuôi cũng tăng lên đáng kể, tiềm ẩn những nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, việc xử lý phân gà tươi thành phân hữu cơ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường lại là nguồn dinh dưỡng dồi dào cho đất và cây trồng.
Vai trò của phân gà đối với cây trồng
Phân gà tươi vốn là chất hữu cơ, chứa nhiều vi khuẩn, mầm bệnh gây hại cho cây trồng. Tuy nhiên, nếu được ủ hoai mục đúng cách, trải qua quá trình biến đổi, phân gà ủ sẽ trở thành chất dinh dưỡng tuyệt vời cho cả đất lẫn cây trồng. Theo nghiên cứu, trong phân gà tươi có chứa 0,5 - 0,9% Nitơ, 0,4 - 0,5% Phốt pho và 1,2 - 1,7% Kali.
Việc bón phân gà đã qua xử lý giúp tăng khả năng giữ nước của đất, tạo nhiều lỗ hở giữa các hạt đất khiên đất tơi xốp, thông thoáng khí hơn. Ðất được bón phân gà sẽ trở nên chắc hơn, khó bị ăn mòn.
Ngoài ra, các chất hữu cơ trong phân gà đã chính là nguồn thức ăn dồi dào giúp cho các vi sinh vật sinh sôi phát triển, làm cho tiến trình phân hủy các chất hữu cơ trong đất diễn ra nhanh hơn, đất sẽ trở nên màu mỡ hơn. Từ đó, cây trồng từ đó cũng sẽ nhanh phát triển, tươi tốt hơn.
 Quy trình xử lý phân gà tươi thành phân hữu cơ
Nguyên liệu: 5 tấn phân gà tươi; 1 kg chế phẩm vi sinh EM; 1 lít mật rỉ đường; 5 kg cám gạo; Vỏ trấu.
Cách làm:
Hoạt hóa chế phẩm vi sinh EM: Trộn chế phẩm EM, mật rỉ đường, cám gạo vào 20 lít nước sạch sao cho thật đều. Ủ kín nguyên liệu trong thùng 2 - 3 ngày giúp nấm và các vi sinh vật hoạt động mạnh mẽ thành bào tử.
Xử lý phân gà tươi:
Pha loãng chế phẩm EM đã hoạt hóa với nước theo tỷ lệ 1:80. Sau đó, phun đều lên bề mặt phân gà có tác dụng lên men, ức chế vi sinh vật gây bệnh, loại bỏ mùi hôi thối.
Trải một lớp trấu có độ dày khoảng 1 - 2 cm, lớp tiếp theo là phân gà đã phun chế phẩm EM khoảng 20 cm. Lặp lại các lớp cho đến khi hết nguyên liệu. Lưu ý, luống ủ phân có chiều cao đạt chuẩn 1 - 2 m. Ðộ ẩm ở giai đoạn này không được vượt quá 60% giúp chế phẩm vi sinh thực hiện chức năng phân hủy các thành phần ở phân gà, vỏ trấu nhanh chóng.
Trong quá trình ủ:
Duy trì độ ẩm ổn định trong khoảng 60 - 70%.
Thường xuyên đảo trộn và có thể dùng ống nhựa PVC khoan lỗ cắm trực tiếp để thông khí.
Nếu ủ phân ở ngoài trời, cần phủ bạt thật kín để không bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Ủ tại kho, xưởng bỏ không đã có mái bạt là thuận tiện nhất.
Ðịnh kỳ hàng tuần kiểm tra nhiệt độ, duy trì ngưỡng nhiệt độ hợp lý là 70oC.
Sau 25 - 30 ngày, phân gà tươi có màu nâu sậm, tơi xốp, mùi thơm nhẹ là đã chuyển thành phân hữu cơ sạch vi khuẩn và nấm gây bệnh, có thể sử dụng cho đất và cây trồng.
Nguồn tin: Theo báo Người Chăn nuôi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây